Nuôi biển ở Quảng Bình: Cơ hội trên đầu sóng

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho hay, những năm gần đây, đơn vị đã hỗ trợ, hướng dẫn một số hộ dân tại xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) triển khai một số mô hình nuôi biển khá thành công.

“Sau đó, một số người dân địa phương đã tận dụng mặt nước để mở rộng và phát triển mô hình nuôi cá bớp, cá mú và các loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Nhưng để phát triển bền vững nuôi biển thì vẫn đang còn nhiều việc phải làm”, ông Linh nhìn nhận.

Vùng biển xã Quảng Đông nơi phát triển nuôi biển chưa được quy hoạch nên người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T. Phùng.

Vùng biển xã Quảng Đông nơi phát triển nuôi biển chưa được quy hoạch nên người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T. Phùng.

Những mô hình thu nhập tiền tỷ

Nghề nuôi biển ở Quảng Đông được người dân nuôi tự phát từ năm 2017 với đối tượng nuôi đầu tiên là cá bớp. Anh Tưởng Văn Diện ở thôn Vịnh Sơn, người tiên phong nuôi cá bớp tại xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) cho biết, khi còn là thanh niên, anh đã vào thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) để phụ nuôi cá bớp cho một người quen thân. Sau nhiều năm phụ giúp, anh đã thành thạo với nghề và quyết định về vùng biển Quảng Đông để nuôi thử nghiệm. Ban đầu, do vốn ít nên anh đã nuôi thử một lồng với khoảng 500 con giống.

Thời gian nuôi thử nghiệm, anh nhận thấy cá sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng biển Quảng Đông, tỷ lệ sống đạt 90%.

“Sau 7 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng từ 4 – 6kg/con; với giá bán 250 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng đã thu về cho gia đình hơn một trăm triệu đồng tiền lãi”, anh Diện cho hay.

Qua 3 năm bám vùng biển, anh Diện nhận thấy mô hình nuôi cá bớp hiệu quả, thị trường tiêu thụ ổn định, cho thu nhập cao nên tiếp tục mở rộng đầu tư và động viên nhiều hộ dân tại địa phương cũng đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình nuôi biển.

Hiện, toàn xã có khoảng 10 hộ liên kết nuôi cá bớp trên biển với gần 15 lồng nuôi, mỗi lồng khoảng 500 con. Theo những hộ nuôi thì cá bớp có thể nuôi được quanh năm, kỹ thuật đơn giản, ít bị bệnh.

Thức ăn của cá bớp là những loại cá tạp, giá rẻ và rất dồi dào trên vùng biển Quảng Bình nên lợi nhuận thu được từ cá bớp cao hơn các loài nuôi khác. Những hộ nuôi đã có thu nhập mỗi năm lên đến tiền tỷ, lợi nhuận cũng thu về hàng trăm triệu đồng.

Trước thực tế đó, vào năm 2022, Chi cục Thủy sản (Sở NN – PTNT Quảng Bình), đã triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE. Qua đó, đã giải quyết được nhiều vấn đề người nuôi trồng thủy sản trên biển gặp phải như tỷ lệ sống và khả năng chống chịu với gió bão cao hơn lồng nuôi truyền thống.

Nhiều hộ dân đầu tư để duy trì và phát triển nghề nuôi biển tại Quảng Đông. Ảnh: T. Phùng.

Nhiều hộ dân đầu tư để duy trì và phát triển nghề nuôi biển tại Quảng Đông. Ảnh: T. Phùng.

Bên cạnh mô hình nuôi cá bớp, mô hình nuôi nhuyễn thể (đối tượng chính là ốc hương và sò lụa) trên biển cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho lao động ở địa phương. Trong đó, mô hình nuôi sò lụa đang được người dân địa phương áp dụng với diện tích nuôi trồng hơn 10ha.

Sò lụa được người dân xã Quảng Đông nuôi thử nghiệm từ năm 2021, giống được mua của ngư dân khai thác từ biển về sau đó khoanh vùng, thả xuống biển để sò lớn, sinh sôi, nảy nở và thu hoạch. Từ tháng 3 âm lịch, người dân bắt đầu thả giống và sau một năm thì cho thu hoạch.

Anh Cao Minh Thái (xã Quảng Đông), sau khi tham quan nhận thấy mô hình nuôi sò lụa cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2022, anh đã liên kết với một số hộ dân khác mạnh dạn mua 10 tấn sò giống với trọng lượng 400 con/kg để thả nuôi trên diện tích khoảng 2ha. Sau 1 năm thả nuôi đến nay sò có trọng lượng khoảng 150 con/kg, tỷ lệ sống khoảng 75%. Sò lụa được nhập bán chủ yếu tại thị trường Trung Quốc với giá dao động từ 65 – 90 nghìn đồng/kg, nếu thuận lợi thì mỗi gia đình cũng có hơn trăm triệu đồng.

Ngoài ra, mô hình ốc hương cũng được người dân địa phương nuôi thử nghiệm và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình được Chi cục Thủy sản hỗ trợ cho 5 hộ dân nuôi thử nghiệm bằng hình thức vây lưới với diện tích 9.000m2 trên vùng biển ven bờ. Sau thời gian thử nghiệm, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho lợi nhuận tương đối cao. Trong năm ngoái, anh Nguyễn Đức Hậu (xã Quảng Đông), được hỗ trợ sau đầu tư để làm mô hình nuôi cá bớp khá thành công. “Sau vụ nuôi, mỗi gia đình tham gia cũng có thu nhập lãi từ 200 – 300 triệu đồng”, anh Hậu cho hay.

Không để ngư dân tự bơi trên ngọn sóng

Nuôi biển đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, nghề nuôi biển tại Quảng Bình đang mới giai đoạn khởi phát và nhỏ lẻ. Gần như toàn tỉnh chỉ có nuôi trồng tại vịnh Quảng Đông chứ chưa có mô hình nào khác. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi biển tại xã Quảng Đông hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và rất cần những giải pháp đồng bộ để phát triển ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả.

Anh Nguyễn Đức Hậu, một chủ lồng nuôi cá bớp tại biển Quảng Đông thì khó khăn lớn nhất khiến người nuôi biển lo lắng là tình trạng biến đổi khí hậu gây thiên tai, mưa bão và nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Kèm theo đó là dịch bệnh gây hại, ảnh hưởng lớn đến năng suất của vụ nuôi, thậm chí gây chết trắng các loài vật nuôi mà người dân không thể lường trước được. “Cùng với đó là tình trạng xả thải, xả rác ra biển gây ô nhiễm môi trường sống của hải sản, chất lượng hải sản chưa được kiểm soát; thiếu máy móc và công cụ kiểm tra chất lượng nước khu vực nuôi”- anh Hậu chia sẻ thêm.

Đối với mô hình nuôi cá bớp, hiện nay phần lớn các hộ dân ở Quảng Đông đều nuôi bằng lồng bè thủ công, chưa đáp ứng được yêu cầu chống chịu với bão lũ; trong khi đó việc chuyển đổi đầu tư hệ thống lồng bè hiện đại, hệ thống nuôi bằng vật liệu HDPE chịu được sóng, gió đòi hỏi vốn đầu tư lớn, người dân không đủ điều kiện thực hiện.

Nghề nuôi biển có thu nhập mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng. Ảnh: T. Phùng.

Nghề nuôi biển có thu nhập mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng. Ảnh: T. Phùng.

Một thực tế nữa là, Quảng Bình chưa quy hoạch được vùng nuôi biển nên những hộ nuôi ở biển Quảng Đông cũng trong tình thế nuôi “thử nghiệm” mà thôi. Anh Nguyễn Đức Hậu cũng như một số hộ nuôi biển khác cũng rất lo khi tàu thuyền của ngư dân vẫn ra vào hay đi lại trong khu vực nuôi nên cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nuôi biển.

“Chúng tôi cũng nuôi tự phát vậy thôi chứ chưa có văn bản pháp lý nào cho phát triển vùng nuôi hay là trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi. Kể cả khi xảy ra thiên tai gây thiệt hại thì bà con cũng phải tự chịu lấy với nhau mà thôi”, anh Hậu bộc bạch thêm.

Cũng phải nói thêm là người nuôi biển trong tâm lý luôn lo lắng vì dịch bệnh gây ra cho đối tượng nuôi. Anh Nguyễn Tìu (xã Quảng Đông), mạnh dạn đầu tư lồng nuôi ốc hương. Quá trình nuôi thì ốc phát triển tốt, nhưng khi vào thời gian thu hoạch thì bị dịch bệnh làm ốc chết hàng loạt. Anh Tìu nói trong lo âu: ‘Cả mấy vụ liên tiếp ốc hương đều bị bệnh nên chết tiền lên đến vài trăm triệu đồng rồi. Năm năm tôi dừng nuôi ốc hương mà chuyển sang làm lồng nuôi cá mú và mực lá xem thế nào”.

Năm nay, Chi cục Thủy sản Quảng Bình không còn chính sách hỗ trợ sau đầu tư cho người nuôi biển nên bà con sẽ tự mình giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết, để phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Quảng Đông, chính quyền địa phương cũng như người dân mong muốn tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại vận chuyển thức ăn cũng như tiêu thụ thành phẩm, giảm chi phí thuê nhân công lao động.

“Cùng với đó, địa phương cũng mong muốn các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nuôi biển theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, con giống đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm”, ông Hải nói thêm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *