Ông Văn Viết Long ở thôn Hướng Phú, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết, chưa năm nào giá thu mua cà phê mít tăng cao như năm nay. Những vụ cà phê trước, gia đình ông chỉ bán được từ 5 – 6 nghìn đồng/kg quả tươi thì năm nay mới đầu mùa thương lái đã tới đặt vấn đề thu mua với giá từ 12 – 13 nghìn đồng/kg quả tươi; giá quả khô lên đến hơn 35 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá cao đột biến từ trước tới nay nên người dân rất phấn khởi.
Với gần 500 gốc cà phê mít từ 5 – 15 năm tuổi trồng xen canh với cà phê chè (Arabica catimor), ông Long dự tính sẽ thu về hơn 6 tấn quả tươi.
“Vừa được giá lại vừa được mùa. Nếu giá bán ổn định thế này thì vụ thu hoạch năm nay tôi có thể lãi khoảng 60 triệu đồng”, ông Long phấn khởi.
Ông Hồ Doanh ở thôn Bụt Việt (xã Hướng Phùng) có gần 1ha cà phê mít trồng tập trung đang cho thu hoạch. Những ngày này, cà phê chín đồng loạt, giá cao nên gia đình ông đang tập trung thu hoạch với sản lượng dự kiến trên 20 tấn quả tươi, trừ chi phí có thể lãi trên 150 triệu đồng.
Bà Hồ Thị Lý, chủ cơ sở Arafarm vườn Hoàng Luận (thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng) cho biết, từ đầu vụ đến nay, cơ sở đã thu mua trên 20 tấn cà phê mít với yêu cầu quả chín đỏ 100%. Giá thu mua cũng cao hơn so với thị trường từ 2 nghìn đồng/kg. Quả cà phê sau khi thu mua được đưa vào rửa, loại bỏ tạp chất và ủ 1 – 2 ngày, sau đó chế biến. Giá cà phê nhân xanh cơ sở đang cung cấp ra thị trường hiện nay khoảng 200 nghìn đồng/kg.
Theo bà Lý, cà phê mít có hương vị đặc biệt: Hạt cà phê vàng, sáng bóng rất đẹp; có vị ngọt của cam thảo, mùi thoảng thơm giống hương mít, vị chát nhẹ. Tùy theo kỹ thuật rang mà hạt cà phê mít sẽ cho những mùi hương khác nhau.
Đây là dòng cà phê hợp với gu của người châu Âu nên ngoài cung cấp cho thị trường nội địa, đã có một số khách hàng từ Hà Lan, Hàn Quốc đến thưởng thức và đặt hàng.
“Dự kiến từ nay đến cuối vụ cơ sở sẽ thu mua thêm khoảng 15 – 20 tấn cà phê mít nữa”, bà Lý cho hay.
Tại tỉnh Quảng Trị, cà phê mít chủ yếu được trồng trên địa bàn huyện Hướng Hóa với tổng diện tích (quy tập trung) khoảng 400 – 500ha. Cà phê mít chủ yếu được trồng để làm bờ bao chắn gió, làm cây che bóng cho vườn cà phê chè, chi phí chăm sóc, bón phân không cao. Cà phê mít thường chín tập trung nên dễ dàng trong việc thu hái. Người dân chỉ cần trải bạt dưới gốc cây và bắc thang để thu hái đồng loạt.
Trước đây, giống cà phê mít chủ yếu là giống địa phương. Khoảng 10 năm lại đây, người dân Hướng Hóa đã du nhập giống cà phê mít từ Đắk Lắk về trồng, chủ yếu là trồng phân tán để làm bóng, chắn gió cho cà phê Arabica. Giống cà phê này cho quả to, năng suất cao, dễ thu hái. Bình quân một cây cà phê mít cho thu hoạch từ 30 – 70kg quả tươi. Cá biệt có những cây cà phê mít trên 15 năm tuổi cho thu hoạch lên đến trên 1 tạ quả tươi.
Ông Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa cho biết, cà phê mít có nhiều ưu điểm như chịu hạn, chống chịu tốt với sâu bệnh, quả và nhân cà phê to hơn so với cà phê chè nhưng do một thời gian dài năng suất thấp, giá bán không ổn định nên người dân không mặn mà. Năm nay, năng suất cà phê mít tại Hướng Hóa năm ước đạt 17 tấn quả tươi/ha.
Để tăng chất lượng cà phê, đảm bảo việc thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cà phê đạt hiệu quả cao, huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỉ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 90%.